Vay mua nhà gói 30.000 tỷ: Trả trước hạn không bị phạt

(Dân trí) - Thông tin từ Vụ Tín dụng của Ngân hàng Nhà nước cho biết, khách hàng được thỏa thuận với ngân hàng thời hạn cho vay thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu 10 năm mà không bị thu phí.

 >>  Ngân hàng đã sẵn sàng giải ngân gói 30.000 tỷ đồng

 >>  Tiếp cận gói 30.000 tỷ khó như… thi hoa hậu!

 >>  Dân mua nhà được vay 10 năm lãi 6% trong gói 30.000 tỷ

Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở trong gói 30.000 tỷ đồng thực hiện được 1 tuần qua nhưng chưa có hồ sơ nào hoàn chỉnh để ngân hàng thẩm định cho vay.
Theo thông tin từ Vụ Tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước, dự kiến trong tuần tới, sau khi đã hoàn thiện hồ sơ theo Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng (Thông tư 07), các ngân hàng thương mại sẽ cho vay và giải ngân cho khách hàng cá nhân có đủ điều kiện.
Dự kiến trong tuần tới, các ngân hàng sẽ cho vay và giải ngân
Dự kiến trong tuần tới, các ngân hàng sẽ cho vay và giải ngân cho khách hàng cá nhân có đủ điều kiện.
Cho vay linh hoạt từng giai đoạn
Đặc biệt, theo khẳng định từ Vụ Tín dụng, người dân vay mua nhà có thể thỏa thuận trả nợ trước hạn và không bị thu phí. Chiếu theo Thông tư 11/2013/TT-NHNN, Ngân hàng NHà nước quy định thời hạn cho vay đối với khách hàng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại tối thiểu là 10 năm. Nhưng trường hợp khách hàng có nhu cầu vay dưới 10 năm thì khách hàng được thỏa thuận với ngân hàng thời hạn cho vay thấp hơn thời hạn cho vay tối thiểu.
Đại diện Vụ Tín dụng cũng cho hay, một số ngân hàng có quy định sẽ thu phí trả nợ trước hạn của khách hàng. Về nguyên tắc, ngân hàng được quyền thu phí trả nợ trước hạn theo quy định của pháp luật vì khách hàng đã vi phạm cam kết. Tuy nhiên, đây là chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ nhà ở, do vậy, Ngân hàng Nhà nước đã “đề nghị các ngân hàng không thu phí trả nợ trước hạn của khách hàng.
Theo quy định, 70% giá trị gói tín dụng là dành cho cá nhân nhưng một số ngân hàng thương mại lại phân bổ số tiền cho doanh nghiệp vay là 60% và người mua nhà vay là 40% trong 2-3 năm đầu tiên, sau đó giảm dần vào năm thứ 4 với tỷ lệ tương ứng là 30% và 70%.
Về vấn đề này, đại diện Vụ Tín dụng cho biết, về tổng thể, Ngân hàng Nhà nước sẽ quản lý tỷ lệ cho vay khách hàng doanh nghiệp tối đa là 30% trong toàn bộ chương trình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ngân hàng thương mại căn cứ vào các đối tượng khách hàng của mình để có kế hoạch cho vay linh hoạt trong từng giai đoạn.
Ví dụ, để có nhà ở xã hội cho người dân mua nhà thì giai đoạn đầu các ngân hàng có kế hoạch đẩy mạnh giải ngân cho doanh nghiệp để tăng “cung”. Giai đoạn sau thì đẩy mạnh cho vay đối với người mua nhà khi cung trên thị trường đã dồi dào.
Hợp đồng được ký từ 7/1/2013 mới được xem xét vay vốn
Theo giải thích của Vụ Tín dụng, về nguyên tắc, chính sách hỗ trợ chỉ được thực hiện khi Thông tư có hiệu lực thi hành, không được hồi tố.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho người dân ký hợp đồng mua nhà từ ngày chính sách hỗ trợ về nhà ở được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết 02, với mục đích tạo cơ hội cho những người có khó khăn về nhà ở có được chỗ ở phù hợp, đồng thời giảm hàng tồn kho nhà ở (những căn hộ chưa bán được), Thông tư 11 đã quy định điều kiện để được xem xét vay vốn. Đó là cá nhân có hợp đồng ký kết với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013 và doanh nghiệp cần vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh từ ngày 07/01/2013 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án xây dựng nhà ở xã hội, dự án nhà ở thương mại chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội.
Do đó, với những hợp đồng đã ký trước ngày 7/1/2013, khách hàng đã có phương án tài chính để mua nhà trước khi Chính phủ có chính sách hỗ trợ thì sẽ không được hồi tố để hưởng chính sách này.
An Hạ

0 nhận xét: